Căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên đã "đi quá xa"

CHDCND Triều Tiên đã ngăn không cho người Hàn Quốc vào khu công nghiệp Kaesong đầu tư chung với Hàn Quốc trong ngày 3/4, một cử chỉ tương thích với giọng điệu giận dữ của họ sau khi Washington lên án hành động “nguy hiểm, vô trách nhiệm” của Bình Nhưỡng.

Bất cứ động thái nào ở khu công nghiệp chung Kaesong - do Hàn Quốc bỏ tiền đầu tư và được thành lập năm 2004, là một nguôn cung cấp ngoại tệ quan trọng cho Triều Tiên - đều có thể làm căng thẳng gia tăng nghiêm trọng.

Cả hai miền Triều Tiên đều không cho phép các cuộc khủng hoảng trước đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của Kaesong, điển hình duy nhất còn lại về quan hệ hợp tác liên Triều và biểu tượng cho sự ổn định của bán đảo.

Động thái mới nhất của Triều Tiên nằm trong vòng xoáy leo thang căng thẳng khiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, một người Hàn Quốc, ngày thứ Ba cảnh báo tình hình “đã đi quá xa” khi Mỹ nói sẽ kiên quyết tự vệ và bảo vệ đồng minh Hàn Quốc.

Các quan chức Hàn Quốc nói Triều Tiên thông báo sáng thứ Tư rằng nước này không cho phép người Hàn Quốc vào Kaesong nữa. Khu công nghiệp nằm ở miền bắc, cách biên giới 10 km. Tuy nhiên, Triều Tiên sẽ cho phép 861 người Hàn Quốc hiện đang ở Kaesong rời đi.

Mô tả quyết định của Triều Tiên là “rất đáng tiếc”, người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc Kim Hyung-Suk kêu gọi Triều Tiên bình thường hóa việc vào ra ở Kaesong “ngay lập tức”. Ông Kim nói miền bắc không cho biết lệnh cấm vào khu công nghiệp sẽ có hiệu lực trong bao lâu.

Hiện có khoảng 53.000 người Triều Tiên làm việc trong nhà máy cho 120 công ty Hàn Quốc, vẫn hoạt động bình thường cho tới thứ Tư. Kim Dong Kyu, giám đốc một công ty Hàn Quốc đang muốn rời Kaesong, nói với kênh tin tức YTN rằng ông “đặc biệt” lo ngại. “Các nhà máy đang hoạt động bình thường và bầu không khí vẫn như mọi khi, chỉ chuyện làm ăn. Không có vẻ gì là khu công nghiệp sẽ bị đóng cửa, theo tôi biết”, Kim nói.

Lần gần nhất biên giới hai miền Triều Tiên bị phong tỏa là tháng 3/2009 để phản đối một cuộc tập trận lớn của Mỹ và Hàn Quốc, nhưng biên giới mở cửa lại một ngày sau đó.

Căng thẳng đã gia tăng ở bán đảo Triều Tiên kể từ khi miền Bắc tiến hành một vụ thử hạt nhân vào tháng 2, chưa kể vụ phóng tên lửa trước đó vào tháng 12. Trước các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đã đe dọa Mỹ và miền Nam đủ thứ từ bắn đạn pháo tới chiến tranh hạt nhân.

Trong một động thái phô trương vũ lực hiếm thấy trong vùng, Washington đã triển khai các máy bay có khả năng mang bom nguyên tử B-52, máy bay tàng hình B-2 và hai tàu khu trục Mỹ tới vùng trời và vùng biển Hàn Quốc.



Các xe tải Hàn Quốc bị chặn lại trước khu công nghiệp Keasong (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng ngoại giao Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Yun Byung-Se ở Washington ngày thứ Ba, sau đó ông lên án “những luận điệu không thể chấp nhận được” từ Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. “Những gì Kim Jong-Un lựa chọn là sự khiêu khích, nguy hiểm, vô trách nhiệm và Mỹ sẽ không chấp nhận (Triều Tiên) là một quốc gia hạt nhân”, ông Kerry nói. Ông đưa ra phát biểu sau khi Triều Tiên đe dọa sẽ mở lại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, được cho là nơi sản xuất ra plutonium có thể chế tạo vũ khí của nước này. “Tôi muốn nói hết sức rõ ràng ở đây hôm nay. Mỹ sẽ tự vệ và bảo vệ đồng minh có hiệp ước của mình, Hàn Quốc”, ông Kerry nói.

Trước đó, ông Ban Ki Moon cảnh báo tình hình đang đi ra khỏi tầm kiểm soát và nhấn mạnh “các đe dọa hạt nhân không phải là một trò chơi”. “Cuộc khủng hoảng hiện giờ đã đi quá xa…”, cựu bộ trưởng ngoại giao Hàn Quốc nói và khẳng định thương lượng là cách duy nhất để tiếp tục.

Triều Tiên đóng cửa lò phản ứng Yongbyon tháng 7/2007 theo một thỏa thuận đổi viện trợ lấy giải trừ hạt nhân sáu bên. Các chuyên gia nói cần ít nhất sáu tháng để lò phản ứng này trở lại hoạt động và mất một năm nữa để sản xuất một lượt plutonium đủ chế tạo bom. Nhiều nhà quan sát cho rằng Triều Tiên đã sản xuất uruanium làm giàu ở mức độ vũ khí ở các cơ sở bí mật trong nhiều năm và cuộc thử hạt nhân thứ ba hồi tháng 2 vừa rồi có thể là một quả bom uranium. Những vụ thử trước đó năm 2006 và 2009 của Triều Tiên đều là thiết bị nổ plutonium.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét