Căng thẳng Triều Tiên đe dọa châm ngòi Đại chiến 3

Căng thẳng Triều Tiên đe dọa châm ngòi Đại chiến 3

Với đội quân tinh nhuệ gồm 900.000 binh sĩ, kho vũ khí hóa học khổng lồ và một nhà lãnh đạo non trẻ, hiếu thắng, căng thẳng Triều Tiên hiện nay có nguy cơ bùng phát trở thành một cuộc chiến tàn khốc.
“Đừng đùa với lửa”

Với hệ thống tình báo và công nghệ hiện đại ngày nay, rất dễ để có thể kiểm chứng được mức độ sự thật trong những tuyên bố chết chóc của Triều Tiên. Rõ ràng, Triều Tiên chưa đủ tiềm lực để có thể bắn tên lửa hạt nhân san phẳng New York, Manhattan, Washington hay Los Angeles như nhà lãnh đạo nước này đe dọa. Nhưng sức mạnh quốc phòng của Triều Tiên hiện nay đủ để khiến cộng quốc quốc tế hết sức lo ngại.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, bản thân ông từng là Ngoại trưởng Hàn Quốc, đã kêu gọi đàm phán trực tiếp với Triều Tiên để kiềm chế tình hình. Trong khi đó, Mỹ đáp lại đe dọa của Triều Tiên với sự phô trương lặng lẽ những vũ khí tinh nhuệ nhất, gồm pháo đài bay B52, các phi đội máy bay tiêm kích tàng hình B2 và F22 tại Hàn Quốc trong cuộc diễn tập chống lại mối hiểm họa từ Triều Tiên. Đây đều là những loại vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và tín hiệu mà Washington muốn gửi đến Bình Nhưỡng là “đừng đùa với lửa”.

Căng thẳng cứ tiếp tục được đẩy lên cao độ khi Triều Tiên tiếp tục tuyên bố sẽ tái khởi động lò phản ứng hạt nhân Yongbyon, đã bị đóng cửa từ năm 2007 để sản xuất plutonium cho thiết bị hạt nhân của nước này. Dù có thể Triều Tiên sẽ mất 1 năm để tái khởi động, nhưng tuyên bố trên có ý nghĩa rất quan trọng vì hiện nay Triều Tiên mới chỉ có đủ plutonium cho khoảng 6 thiết bị hạt nhân. Triều Tiên muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng nước này sẽ phát triển kho hạt nhân, sẽ đưa tiềm lực này vào quân đội và không từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

“Một li” sai lệch có thể làm bùng nổ chiến tranh

Tại thủ đô Washington của Mỹ và Seoul của Hàn Quốc, không khí vẫn rất yên ả. Không có bằng chứng nào rằng Triều Tiên đang huy động lực lượng cho chiến tranh. Có lẽ, Mỹ và Hàn Quốc vẫn cho rằng Triều Tiên không đủ lực để khởi động một cuộc xung đột lớn, mà kết thúc duy nhất của nó là sự hủy diệt của chế độ.

Song nguy cơ chiến tranh vẫn hiện hữu. Hơn 900.000 binh sĩ Triều Tiên đã được điều động dọc khu phi quân sự tại biên giới liên Triều. Lực lượng này được trang bị hơn 17.000 khẩu pháo và 3.500 xe tăng chiến đấu. Trong trường hợp xung đột vũ trang nổ ra, Quân đội Nhân dân Triều Tiên sẽ nã đạn pháo xuống trung tâm Seoul mà chẳng cần phải vượt qua biên giới. Cần nhớ thêm là Triều Tiên cũng sở hữu một số lượng lớn các vũ khí hóa học.

Dù có thể Triều Tiên không giành chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng nó có thể gây ra những tổn thất vô cùng lớn về người và của mà không cần dùng tới vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng có khoảng 100.000 lính đặc nhiệm được đào tạo chuyên sâu về khả năng thâm nhập miền nam trong trường hợp có chiến sự.

So sánh tiềm lực quân sự Triều Tiên – Hàn Quốc.

Cuộc khủng hoảng hiện nay vô cùng nguy hiểm, vì cả hai bên đều đã đạt đến giới hạn về tín hiệu quân sự, và không còn cách để giảm căng thẳng. Washington và Seoul đều không muốn trao cho ông Kim Jong-un “phần thắng” bằng sự nhượng bộ, hay thậm chí đàm phán như đã từng làm trước đây. Hàn Quốc tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ bất cứ sự gây hấn nào từ Triều Tiên, rằng họ sẽ đập tan không chỉ những đơn vị dám bắn phá Hàn Quốc mà còn cả trung tâm tư lệnh tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc và Triều Tiên, về mặt kỹ thuật, vẫn đang trong chiến tranh do Hàn Quốc không ký vào hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến liên Triều năm 1953. Vì vậy, bất cứ sự tính toán sai lệch nào, dù chỉ một li, cũng sẽ làm nổ ra xung đột quân sự và đẩy tình hình ra ngoài vòng kiểm soát, khiến nó có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Thế giới trông đợi Trung Quốc

Dư luận thế giới đang mong đợi Trung Quốc có những động thái giúp “hạ nhiệt” đồng minh Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện mới kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế”. Trước đây, Trung Quốc từng tạm thời ngừng việc chuyển hàng cứu trợ lương thực và dầu lửa đến Triều Tiên. Vì sao hiện nay Trung Quốc không làm như vậy?

Câu trả lời có lẽ là Bắc Kinh quan ngại sự bùng nổ một xung đột lớn tại bán đảo Triều Tiên sẽ khiến hàng triệu người tị nạn chạy đến Trung Quốc. Trong kịch bản xấu hơn, nó có thể đẩy Trung Quốc vào một cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Bắc Kinh có phản ứng rất thận trọng do lo ngại bất cứ sức ép nào với Triều Tiên cũng có thể khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng về mục tiêu mà nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un hướng đến. Chỉ có một lý giải là có những chia rẽ sâu sắc bên trong ban lãnh đạo Triều Tiên.

Điều cần làm hiện nay là Trung Quốc và Mỹ cần phải hợp tác để thiết lập ra khung đối thoại với Triều Tiên để tháo ngòi nổ căng thẳng. Điều này có thể là đủ để nhà lãnh đạo Kim Jong-un để tuyên bố chiến thắng mà không cần phải có một nhượng bộ cụ thể nào.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét